Giám mục người Việt Tiên khởi Gioan_Baotixita_Nguyễn_Bá_Tòng

Bổ nhiệm và tấn phong

Khi Giáo hoàng Piô XI ban hành thông điệp Sự việc Giáo hội (Rerum Ecclesiae) nhằm cổ vũ việc trao quyền cho hàng giáo sĩ địa phương, Giám mục Alexandre Marcou Thành là người đầu tiên hưởng ứng, với việc đề cử linh mục Gioan Baotixita Tòng làm người kế vị mình tại Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm vào năm 1933.[12] Cùng được giám mục Marcou đề cử còn có linh mục Đa Minh Hồ Ngọc Cẩn.[13]

Ngày 10 tháng 1 năm 1933, Giáo hoàng Piô XI ra sắc chỉ bổ nhiệm linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng làm Giám mục Hiệu tòa Sozopolis in Haemimonto,[14] giữ chức Phó đại diện Tông Tòa với quyền kế vị Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm. Một tháng sau đó, ngày 10 tháng 2, hồng y Carolus Salotti từ Bộ Truyền giáo Roma, gửi thư thông báo rằng giáo hoàng mong muốn tấn phong cho tân giám mục tại Vương cung thánh đường thánh Phêrô, Roma.[7]

Nhận được đề nghị từ Hồng y Salotti, Nguyễn Bá Tòng rời Việt Nam ngày 1 tháng 5 năm 1933. Trên đường đi, ông đến cử hành lễ tại nhà thờ chính tòa Marseille và giảng lễ về ngày Chúa Thăng thiên. Bài giảng của giám mục tân cử ngưởi Việt lôi cuốn được các thính giả người Pháp. Sau đó Nguyễn Bá Tòng rời Marseille đến Paris và được Hội Truyền giáo hải ngoại Paris đón rước.[7] Hộ tống tân giám mục có linh mục Phaolô Vàng, Thư ký của ông và ba linh mục khác. Hành trình đến Rôma của họ đi theo cung đường đến Singapore, Djibouti, Colombo, Port Said và Pháp.[15]

Ngày 11 tháng 6 năm 1933, lễ tấn phong giám mục của Nguyễn Bá Tòng được tổ chức tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Vatican với phần nghi thức truyền chức giám mục đích thân Giáo hoàng Piô XI làm chủ phong, hai Hồng y Luigi CostantiniCarlo Salotti là phụ phong trong nghi thức này. Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng trở thành người Việt đầu tiên được phong chức Giám mục, sau ngót nghét 4 thế kỷ từ khi Công giáo du nhập vào Việt Nam.[8][11] Địa phận Phát Diệm cũng vì thế trở thành địa phận đầu tiên được quản lý bởi giáo sĩ bản địa.[16]

Giám mục Nguyễn Bá Tòng chọn khẩu hiệu Giám mục của mình là: "In electis meis mitte radices" (Hãy châm rễ sâu trong dân ta chọn).[4] Cùng đợt phong này với ông, còn có 4 Giám mục khác đến từ châu Á là Giám mục Attipetty của Ấn Độ và ba Giám mục Trung QuốcMátthêu Lý Dung Triệu (Mathêu Ly), Giuse Phàn Hằng An (Giuse Fan) và Giuse Thôi Thủ Tuân (Ts’oei). Sau khi tấn phong, giám mục Tòng cũng có bài diễn thuyết trước mặt các giáo sĩ cũng như quan chức Pháp.[7]

Việc mục vụ địa phận

Giám mục Nguyễn Bá Tòng (trái), ảnh chụp năm 1936

Tân Giám mục Nguyễn Bá Tòng rời Rôma trên cung đường đi qua Li Băng và vùng đất thánh Palestine.[15] Ông trở về Việt Nam bằng cách đi qua Phnôm Pênh. Sáng ngày 23 tháng 10 năm 1933, một phái đoàn gồm có ông Haasz từ Hội đồng thành phố Sài Gòn và Hội đồng giáo xứ Tân Định đến Nam Vang đón rước tân Giám mục về đến Sài Gòn chiều ngày 24 tháng 10 năm 1933. Tại đây, giám mục Tòng cử hành nhiều lễ tạ ơn tại Sài Gòn cũng như Bà Rịa.[7] Trên hành trình tiến về phía Bắc, tân giám mục ghé thăm cố đô Huế và được triều đình nhà Nguyễn chào đón. Tháng 11 năm 1933, ông đến địa phận Phát Diệm và giữa tháng này đến chào các quan chức Pháp tại Hà Nội. Các quan chức này đánh giá cao khả năng giao thiệp của giám mục Tòng.[11] Hàng nghìn người đã chào đón giám mục Nguyễn Bá Tòng tại đây, bao gồm nhiều trẻ em, vì trường học cho chúng nghỉ học vào ngày này. Trên quãng đường đi lên phía Bắc, giám mục Nguyễn Bá Tòng đi qua nhiều địa điểm như Nha Trang, Qui Nhơn, Huế, Vinh, Thanh Hóa, Bùi Chu và Phát Diệm, hàng nghìn người cũng đã đứng để chào đón tân giám mục. Tại Hà Nội, ba ngày sau khi đến đây, Nguyễn Bá Tòng thuyết giảng tại Nhà thờ Lớn Hà Nội, đồng thời trở thành giáo sĩ Việt Nam đầu tiên giảng lễ trong nhà thờ này, kể từ khi nó được xây dựng năm 1886.[17]

Việc phong chức giám mục Tòng và hai năm sau đó là giám mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn làm hàng giáo sĩ Việt Nam phấn khởi. Một nhà quan sát phấn khởi nhận định việc tấn phong giám mục cho Nguyễn Bá Tòng và Hồ Ngọc Cần đã làm cho các giám mục này mặt thể chất không còn khác biệt với các giám mục châu Âu tiền nhiệm. Tác giả này nhận định giám mục Nguyễn Bá Tòng thường bị nhầm lẫn là giám mục Ý vì không để râu trong khi ví giám mục Cẩn bị nhầm là một giám mục Pháp với bộ râu trắng dài.[17]

Năm 1934, giám mục Gioan Baotixita Tòng được bầu vào Ủy ban nghiên cứu về tài chính của Giáo hội Việt Nam.[18] Ngày 15 tháng 10 năm 1935,[4] nhân ngày kỷ niệm 40 năm trở thành giám mục, Giám mục Alexandre Marcou Thành về nghỉ hưu tại Thanh Hóa. Giám mục Tòng chính thức trở thành Đại diện Tông tòa Hạt Đại diện Tông Tòa Phát Diệm. Cũng trong năm này, Nguyễn Bá Tòng có bài phát biểu tại Nhà thờ chính tòa Paris.[7]

Giám mục Nguyễn Bá Tòng cho xây dựng nhà Tập dòng Mến Thánh giá ở Lưu Phương nhằm đào tạo các nữ tu có nhiệm vụ truyền giáo. Ngoài ra, ông còn thiết lập các tổ chức tôn giáo khác như: trường Thầy giảng, dòng Carmel và trường Thử tại Trì Chính, Hội quán Thanh niên Công giáo Phát Diệm. Đầu năm 1936, ông cho mời dòng Phước Sơn tại Quảng Trị lập chi nhánh tại Phát Diệm. Với công tác đào tạo linh mục, giám mục Tòng nâng cao trình độ đại chủng sinh bằng việc tuyển lựa giáo sư chủng viện bằng các giáo sư người Việt nổi tiếng, trong đó có linh mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi.[7] Việc mời dòng Châu Sơn đến địa phận Phát Diệm được xúc tiến trong một lần giám mục Nguyễn Bá Tòng đến thăm Đan viện Phước Sơn Huế và bày tỏ với linh mục Bề Trên dòng này rằng ông mong muốn có một dòng tu nam chiêm niệm trong địa phận Phát Diệm. Hiện thức hóa mong muốn của giám mục Tòng, ngày 12 tháng 7 năm 1936, công nghị đan sĩ Phước Sơn chọn linh mục Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ làm bề trên tiên khởi Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn.[19]

Giám mục Nguyễn Bá Tòng cũng quan tâm đến đời sống tầng lớp thanh niên. Tháng 3 năm 1935, ông diễn thuyết chủ đề Thanh niên Việt Nam đang lúc 20 tuổi phải làm gì? Bài diễn thuyết này được nhiều báo chí đánh giá cao. Ông cũng chú trọng huấn luyện thành phần truyền giáo của địa phận. Ông cũng tổ chức đại hội thanh niên địa phận Phát Diệm năm 1937 và đại hội thanh niên năm 1938 tại Phú Nhai, với sự trợ giúp của giám mục Đa Minh Maria Hồ Ngọc Cẩn. Tại đại hội năm 1938, giám mục Nguyễn Bá Tòng tham gia diễn thuyết đề tài Nghĩa vụ thanh niên đối với bản thân, Tổ quốc và Giáo hội. Trong thời kỳ này, sách Bài giảng giáo lý của ông được phát hành. Cùng trong năm 1937, ông có hai bài phát biểu: bài thứ nhất tại đại hội Thánh Thể thế giới tại Manila với chủ đề “Evangélisation des Frères Prêcheurs” (tạm dịch: Sứ vụ Phúc âm hóa) và bài thứ hai trong lễ tấn phong giám mục François Arsène Jean Marie Eugène Lemasle Lễ với đề tài “Temps Nouveaux Doctrines Nouvelles” (tạm dịch: Thời đại mới, Giáo lý mới). Hai bài phát biểu này được in lại trên báo Trung Hòa Hà Nội.[7]

Ngày 3 tháng 12 năm 1940, Giám mục Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng đóng vai trò phụ phong trong buổi lễ tấn phong chức giám mục cho linh mục Gioan Maria Phan Ðình Phùng, được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Sau lễ tấn phong là lễ gắn huy chương Bắc Đẩu Bội tinh cho giám mục Tòng do Toàn quyền Decoux thay mặt Thống chế Pétain, Quốc trưởng Pháp, trao tặng, với sự tham dự của các quan quyền các cấp.[7][20][gc 1][gc 2]

Giám mục Nguyễn Bá Tòng có sức viết khỏe, trong thời gian quản lý địa phận, ông viết 70 lá thư “Luân Lưu” đề cập nhiều vấn đề của địa phận. Tác giả Hoàng Xuân Việt viết trong sách Thắng cảnh Phát Diệm nhận định rằng trong bình diện văn học, giám mục Nguyễn Bá Tòng thuộc đội ngũ nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam từ giai đoạn 1930 - 1949.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gioan_Baotixita_Nguyễn_Bá_Tòng http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://archive.is/7xWf http://archive.is/IoAz http://www.catholic-hierarchy.org/bishop/btong.htm... http://www.gcatholic.org/dioceses/former/t1635.htm http://phatdiem.org/Portal/Desktop.aspx?tabid=11&C... http://phatdiem.org/Portal/Desktop.aspx?tabid=11&C... http://vntaiwan.catholic.org.tw/vnchurch/phatdiem/... http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/dien-van-ch... http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/lam-muc-vu-...